Khánh Hòa: Xử lý nhà cao tầng sử dụng tầng hầm sai mục đích
CafeLand – Các công trình cao tầng tại thành phố Nha Trang sử dụng phần tầng hầm sai mục đích sẽ bị kiểm tra và xử lý nghiêm.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao Sở Xây dựng, Sở Du lịch căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, kiểm tra xử lý các nội dung đề nghị của UBND TP. Nha Trang về việc xử lý các công trình cao tầng có tầng hầm đã được phê duyệt nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Trước đó, UBND TP. Nha Trang có văn bản đề xuất UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tăng kiểm tra các công trình cao tầng, đảm bảo thực hiện đúng các nội dung giấy phép xây dựng được cấp; giao Sở Du lịch xem xét không cấp hạng sao theo tiêu chuẩn khách sạn đối với các công trình khách sạn lưu trú không sử dụng tầng hầm đúng mục đích, công năng theo giấy phép xây dựng được cấp.
Cơ sở của việc đề xuất trên xuất phát từ việc hiện nay trên địa bàn TP. Nha Trang xảy ra tình trạng một số công trình cao tầng có bãi đỗ xe dưới tầng hầm đã được cấp giấy phép xây dựng nhưng không sử dụng, hoặc sử dụng không đúng với mục đích ban đầu được cấp phép, ảnh hưởng đến an toàn giao thông của khu vực.
Năm 2019: Kiểm soát tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, BOT
CafeLand – Phát biểu tại buổi họp Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ ra các định hướng quan trọng của NHNN trong năm 2019.
Cụ thể, ông Hà cho biết, năm 2019, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăgn trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Các giải pháp trọng tâm năm 2019 NHNN đề ra là: Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trương tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cục chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra; có biện pháp can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng và các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý thị trường ngoại tệ, thị trường vàng hiệu quả. Tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước. Triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hoá trên lãnh thổ, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô.
Trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu: NHNN xác định mục tiêu tiếp tục triển khai và giảm sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu các TCTD.
Ông Hà nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững.
Ngang nhiên khai thác đất đồi không phép
“Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Sơn – chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Mô – G9 resort (gọi tắt là Khu du lịch sinh thái) liên tục khai thác đất tại đồi Hủng Chuồng, xã Sơn Đông mang ra bên ngoài bán. Người dân đã nhiều lần phản ánh sự việc đến chính quyền địa phương, nhưng không được xử lý triệt để…”. Đây là nội dung thông tin người dân xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) phản ánh đến Báo Hà nội mới.
Xác minh thông tin do người dân cung cấp, cuối tháng 12-2018, phóng viên đã tiếp cận khu vực đồi Hủng Chuồng, xã Sơn Đông do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đông Sơn (Công ty Đông Sơn) làm chủ đầu tư. Vừa đến đây, phóng viên bắt gặp một chiếc xe tải chở đầy đất đỏ lao xuống với tốc độ rất nhanh ra khỏi khu vực đồi. Ngay sau đó là một chiếc ô tô tải khác đi vào khu vực đồi Hủng Chuồng để tiếp tục chở đất. Tại đỉnh đồi Hủng Chuồng rộng khoảng 1.000m2, chiều cao gần 3m, mặt bằng đã bị múc gần hết, tạo thành mặt phẳng.
Ông Đào Cam Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết, đến thời điểm hiện nay, UBND xã chưa nhận được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc khai thác đất tại đỉnh đồi Hủng Chuồng, ngoài hợp đồng thuê đất, giấy phép xây dựng do Công ty Đông Sơn cung cấp từ lâu.
Khu đồi Hủng Chuồng trước đây là đất lâm nghiệp do xã Sơn Đông quản lý. Năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất sản xuất kinh doanh, giao cho Công ty Đông Sơn thuê hơn 46.000m2 để thực hiện Khu du lịch sinh thái. Năm 2010, UBND thị xã Sơn Tây đã cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Đông Sơn xây dựng 27 biệt thự và một số công trình phụ trợ…
Tuy nhiên, đầu tháng 11-2018, sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc chủ đầu tư khai thác đất không phép tại đồi Hủng Chuồng chuyển đi bán, UBND thị xã Sơn Tây đã giao cho Công an thị xã xác minh, điều tra làm rõ. Trước hành vi vi phạm kể trên, ngày 6-11-2018, Công an thị xã Sơn Tây đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khoáng sản đối với ông Phùng Văn Hưng, xã Sơn Đông (người thực hiện hành vi khai thác đất, đại diện công ty), đồng thời yêu cầu ông Hưng thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn… Thế nhưng, gần 2 tháng kể từ khi quyết định xử phạt ban hành, việc khai đất tại đây vẫn tiếp tục diễn ra như thách thức với dư luận.
Qua sự việc cho thấy công tác quản lý nhà nước về tài nguyên đất ở thị xã Sơn Tây còn lỏng lẻo, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm. Đề nghị UBND thị xã Sơn Tây sớm kiểm tra làm rõ việc Công ty Đông Sơn khai thác đất tại khu đồi Hủng Chuồng khi chưa được cấp phép để xử lý nghiêm theo quy định.
Thủ tướng duyệt chủ trương xây Cảng Mỹ Thuỷ hơn 14.000 tỉ đồng tại Quảng Trị
CafeLand – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Dự án có quy mô diện tích 685ha, tổng mức đầu tư là 14.234 tỉ đồng, do Công ty CP Liên doanh Cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư.
Theo phê duyệt, dự án có thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày quyết định chủ trương đầu tư, gồm 10 bến phát triển, có công năng và cỡ tàu khai thác là 100.000 tấn.
Tiến độ triển khai dự án theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 – 2025) đầu tư 4 bến, giai đoạn 2 (2026 – 2031) đầu tư 3 bến; giai đoạn 3 (2032 – 2036) đầu tư 3 bến. Tổng vốn đầu tư dự án là 14.234 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 2.143 tỉ đồng; vốn huy động và vốn khác là 12.091 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng Khu bến cảng Mỹ Thủy có mục tiêu xây dựng khu bến cảng chuyên dùng phục vụ chủ yếu cho các cơ sở công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; kết hợp, thu hút lượng hàng quá cảnh cho Lào, Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Dự án khi đi vào hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư khu vực Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Quảng Trị.
Được biết trước đó, cảng biển Mỹ Thủy tỉnh Quảng Trị đã được quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.